Bất bình đẳng kinh tế: Tồi tệ hơn nhiều so với những gì bạn nghĩ

Trong một cuộc nói chuyện thẳng thắn với Frank Rich mùa thu năm ngoái, Chris Rock nói rằng, “Ồ, mọi người thậm chí không biết. Nếu những người nghèo biết người giàu giàu có đến mức nào thì sẽ có các cuộc bạo loạn trên đường phố rồi.” Các phát hiện trong ba nghiên cứu, được xuất bản trong vài năm gần đây trên trang Quan Điểm về Khoa Học Tâm Lý, cho thấy Rock đã đúng. Chúng ta không biết gì về mức độ bất công của xã hội mà bản thân đang sống.
Michael Norton và Dan Ariely, trong bài viết của họ vào năm 2011 đã phân tích các niềm tin về sự bất bình đẳng tổng tài sản. Họ hỏi hơn 5000 người Mỹ đoán xem có bao nhiêu phần trăm tài sản (thí dụ tiền tiết kiệm, tài sản, cổ phiếu, vân vân, nợ âm) được sở hữu bởi mỗi nấc 20% dân số (each fifth of the population). Tiếp theo, các tác giả yêu cầu mọi người xây dựng mô hình phân phối lý tưởng của họ. Tưởng tượng một chiếc bánh pizza là tất cả sự giàu có của Hoa Kỳ. Có bao nhiêu phần trăm của chiếc pizza thuộc về top 20% người Mỹ giàu nhất? Và 40% những người ở đáy có được miếng bánh mỏng ngần nào? Trong một thế giới lý tưởng, họ phải có bao nhiêu mới được?
Trung bình người Mỹ tin rằng nhóm 20% người giàu có nhất (richest fifth) sở hữu 59% tài sản và 40% những người ở đáy sỡ hữu 9% tài sản. Sự thật thì khác biệt vô cùng. 20% hộ gia đình thuộc nhóm đầu ở Hoa Kỳ sở hữu hơn 84% tổng tài sản, và 40% những người ở đáy phối hợp lại mới được phần nhỏ bé không đáng kể 0,3%. Lấy ví dụ, gia đình Walton giàu hơn 42% các gia đình Mỹ kết hợp lại.
Chúng ta không muốn sống như vậy. Trong phân phối lý tưởng của chúng ta, 20% (quintile) nhóm thu nhập hàng đầu sở hữu 32% tài sản và 40% nhóm đáy sở hữu 25% tài sản. Như nhà báo Chrystia Freeland đã nói, “Người Mỹ thực sự sống ở Nga, mặc dù họ nghĩ họ sống ở Thụy Điển. Và họ sẽ thích sống trên kibbutz”. Norton và Ariely phát hiện ra một bất ngờ về sự đồng thuận: tất cả mọi người – thậm chí là đảng viên đảng Cộng hòa và người giàu có – đều muốn phân phối tài sản công bằng hơn tình trạng hiện nay.
Tất cả điều này có thể rung lên một hồi chuông cảnh báo. Một video infographic về nghiên cứu đã được lan tỏa rộng rãi (viral) và đã được xem hơn 16 triệu lần (đến thời điểm của bài dịch này là hơn 20 triệu view).
Trong một nghiên cứu được xuất bản năm ngoái, Norton và Sorapop Kiatpongsan sử dụng cách tiếp cận tương tự để đánh giá các nhận thức về bất bình đẳng trong thu nhập. Họ đã hỏi khoảng 55000 người từ 40 quốc gia để ước tính số tiền kiếm được của người chủ điều hành doanh nghiệp (corporate CEO) và người lao động chưa lành nghề (unskilled worker). Sau đó họ hỏi mọi người con số trên nên có giá trị thế nào mới phải. Trung bình người Mỹ ước tính mức độ chênh lệch thu nhập giữa người chủ điều hành và người lao động là 30 trên 1, và con số lý tưởng họ nghĩ nên là 7 trên 1. Thực tế thì thế nào? 354 trên 1. Khoảng 50 năm trước đây, nó chỉ là 20 trên 1. Một lần nữa, các mẫu là tương tự cho tất cả các nhóm con bên dưới, bất kể lứa tuổi, trình độ giáo dục, và liên kết chính trị, hoặc ý kiến về bất bình đẳng hoặc chi trả. “Nói tóm lại,” các nhà nghiên cứu kết luận, “những người trả lời ước tính dưới thực tế về khoảng cách thu nhập, và khoảng cách thu nhập lý tưởng của họ thậm chí còn cách xa thực tế hơn nữa so với ước tính dưới thực tế của họ”
Hai nghiên cứu vừa rồi ngụ ý rằng sự thờ ơ của chúng ta về bất bình đẳng là lý do cho nhầm lẫn màu hồng này. Tuy nhiên, để công bằng, chúng ta biết rằng một số thứ đã nổi lên. Cuối cùng, Tổng thống Obama đã gọi sự bất bình đẳng về kinh tế “định rõ thách thức trong thời đại của chúng ta”. Nhưng trong khi người Mỹ công nhận rằng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo đã mở rộng trong thập niên vừa qua, rất ít người xem nó là một vấn đề nghiêm trọng. Chỉ năm phần trăm người Mỹ nghĩ rằng sự bất bình đẳng là một vấn đề lớn cần chú ý. Trong khi phong trào Occupy (phong trào chính trị-xã hội quốc tế chống bất bình đẳng về xã hội và kinh tế) có thể có một di sản hữu hình, người Mỹ vẫn chẳng biểu tình bạo loạn trên đường phố.
Một lý do có khả năng là nguyên nhân cho điều này được xác định bởi nghiên cứu thứ ba, được xuất bản trong đầu năm nay bởi Shai Davidai và Thomas Gilovich cho thấy rằng sự dửng dưng của chúng ta nằm trong đặc tính khác lạ về sự lạc quan của văn hóa Mỹ. Trong phần cốt lõi của Giấc Mơ Mỹ (American Dream) là niềm tin rằng bất cứ ai làm việc chăm chỉ đều có thể cải thiện kinh tế bất kể hoàn cảnh xã hội của anh ấy hoặc cô ấy có như thế nào. Davidai và Gilovich muốn biết liệu mọi người có cảm nhận thực tế về tính linh động của nền kinh tế hay không.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng người Mỹ ước tính quá cao số lượng chuyển dịch lên giai tầng xã hội tốt hơn thực tế tồn tại trong xã hội. Họ hỏi khoảng 3000 người đoán xem cơ hội một ai đó sinh ra trong gia đình thuộc nhóm 20% nghèo khó nhất, rồi sau đó ở tuổi trưởng thành lọt vào trong nhóm 20% giàu có hơn. Khỏi phải nói (sure enough), mọi người nghĩ rằng khả năng dịch chuyển lên giai tầng cao hơn là nhiều hơn đáng kể so với điều diễn ra trong thực tế. Thật thú vị, người tham gia mà nghèo hơn và thuộc nhóm chính trị bảo thủ nghĩ khả năng dịch chuyển là cao hơn so với người giàu có và thuộc nhóm tự do.
Theo Pew Research, hầu hết người Mỹ tin rằng hệ thống kinh tế ủng hộ không công bằng cho khả năng giàu có, nhưng 60% tin rằng hầu hết mọi người có thể giàu có nếu họ làm việc chăm chỉ. Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói rằng người Mỹ “không bao giờ là một quốc gia của có và không có. Chúng ta là một quốc gia của có và sắp-có, của những người đã làm nó và những người sẽ làm nó”. Chắc chắn, chúng ta yêu thích các câu chuyện phấn đấu từ nghèo-khó-đến-giàu-có (rags-to-riches), nhưng có lẽ chúng ta tha thứ cho sự bất bình đẳng đến như vậy bởi vì chúng ta nghĩ các câu chuyện đó xảy ra nhiều hơn so với những gì thực tế diễn ra.
Chúng ta (chỉ đến đa phần người Mỹ đang đọc bài tiếng Anh gốc) có thể không muốn tin vào điều đó, nhưng Hoa Kỳ hiện nay là quốc gia phương Tây bất bình đẳng nhất. Vấn đề còn tồi tệ hơn, Hoa Kỳ có tính linh động xã hội (khả năng chuyển lên giai tầng giàu có hơn) kém hơn đáng kể so với Canada và Châu Âu.
Như nhà xã hội học Stephen McNamee và Robert Miller Jr. chỉ ra trong cuốn sách của họ, “Sự huyền bí của nhóm người thành công dựa trên tài năng / The Meritocracy Myth”, nhiều người Mỹ tin rằng, thành công là do tài năng cá nhân và nỗ lực. Trớ trêu thay, khi thuật ngữ “meritocracy” được sử dụng lần đầu tiền bởi Michael Young (trong cuốn sách vào năm 1958 của anh ấy “The Rise of the Meritocracy”) nó có nghĩa dùng để chỉ trích xã hội bị cai trị bởi nhóm người tinh hoa tài năng (talent elite). “Nó là lẽ thường (good sense) khi chỉ định cá nhân mọi người vào các công việc dựa trên những gì họ xứng đáng (merit)”, Young viết như vậy trong một bài tiểu luận gửi cho tờ Guardian. “Điều ngược lại là khi những người được đánh giá là có thành tích đặc biệt nào đó sẽ trở thành một tầng lớp xã hội mới mà không có chỗ cho người khác”. Người tạo ra cụm từ này mong rằng chúng ta sẽ ngừng sử dụng nó bởi vì nó bảo vệ huyền thoại rằng những ai có tiền và quyền chắc hẳn phải xứng đáng mới có được nó (và gia tăng niềm tin nham hiểm rằng những ai kém may mắn không xứng đáng hưởng điều tốt hơn).
Bởi sự nhấn mạnh quá mức vào khả năng dịch chuyển giai tầng cá nhân, chúng ta bỏ qua các yếu tố xã hội quan trọng quyết định thành công như di sản từ gia đình, các kết nối xã hội, và sự phân biệt đối xử về mặt cấu trúc (structural discrimination). Ba trang trên tờ Quan Điểm về Khoa Học Tâm Lý chỉ ra rằng không chỉ sự bất bình đẳng kinh tế là tệ hại hơn chúng ta nghĩ, mà cả sự chuyển dịch giai tầng xã hội cũng không dễ dàng như chúng ta tưởng tượng. Thương hiệu lạc quan độc đáo của chúng ta ngăn cản chúng ta thực hiện bất kỳ thay đổi thực tế nào.
George Carlin nói đùa thế này, “lý do chúng ta gọi nó là Giấc Mơ Mỹ là bởi vì bạn phải ngủ để tin nó”. Làm thế nào để chúng ta thức dậy đây?
(Dịch từ bài viết Economic Inequality: It’s Far Worse Than You Think – Tác giả: Nicholas Fitz – Website: Scientific American)