Nếu bạn muốn dùng tiền mua hạnh phúc, một cách mới rất hiệu quả là đi mua thời gian rảnh rỗi

Nếu bạn được cho 40 đô-la với điều kiện là bạn phải tiêu nó cho điều gì đó sẽ làm bạn thực sự hạnh phúc, bạn sẽ làm gì với số tiền này? Một số người có thể đi shopping, số khác mua đồ ăn tối hoặc đi xem phim, vài người thậm chí có thể dùng số tiền này để làm từ thiện. Nhưng dùng 40 đô-la để “mua” cho bản thân nhiều thời gian rảnh rỗi hơn thì sao?
Theo một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí PNAS, những người dùng tiền để mua thời gian rảnh rỗi, chẳng hạn thuê người khác làm việc nhà sẽ có nhiều thỏa mãn trong cuộc sống hơn. Và nó không chỉ đúng cho người giàu có. Trên khắp các mức thu nhập, nghề nghiệp và quốc gia, việc mua thời gian có tương quan đến việc giảm căng thẳng hơn liên quan đến thời gian và có nhiều cảm giác tích cực.
Tuy nhiên, các khảo sát của những nhà nghiên cứu cho thấy có rất ít cá nhân nghĩ đến cách tiêu tiền theo cách này.
Ashley Whillans, một nhà tâm lý học xã hội và tác giả chính của nghiên cứu nói rằng cô ấy “hoàn toàn bị ám ảnh” với các quyết định của con người xem họ đặt giá trị nhiều hơn vào tiền hay thời gian. Cô nói, chúng ta làm hai điều này suốt: “Nếu tôi ở gần chỗ làm, tôi sẽ tiết kiệm được thời gian đi lại nhưng sẽ tốn tiền thuê nhà hơn? Tôi nên sống ở đâu? Nếu tôi sống xa chỗ làm, tôi sẽ tiết kiệm được tiền nhưng tôi lại mất nhiều thời gian đi làm hơn.”
Whillans và cộng sự của cô ở trường Đại học Harvard hợp tác với các nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia và hai học viện ở Hà Lan để tiến hành bảy khảo sát của hơn 6000 người trả lời ở bốn quốc gia. Bản khảo sát hỏi mọi người liệu rằng họ có thường xuyên thuê ai đó hoàn thành các công việc thường ngày không mấy dễ chịu không? Ngoài ra họ cũng hỏi mọi người đánh giá về mức độ hài lòng trong cuộc sống.
Ở tất cả các cuộc khảo sát, mức độ hài lòng trong cuộc sống thường cao hơn ở những người thường xuyên chi tiền để tiết kiệm thời gian. Điều đó đúng bất kể thu nhập của hộ gia đình, hay số giờ làm việc mỗi tuần, rồi tình trạng hôn nhân và cả số con cái sống trong nhà cũng không làm ảnh hưởng (mặc dù có một giới hạn của nghiên cứu này là có rất ít người ở mức thu nhập rất thấp trong phổ thu nhập được khảo sát).
Thậm chí sau khi điều chỉnh tổng thu nhập khả dụng (thu nhập sau thuế) bằng cách so sánh số tiền mà người tham gia chi tiêu vào các việc cần thiết như đồ tạp hóa, các lần mua không thực sự cần và tiêu cho trải nghiệm cuộc sống, thì những người trưởng thành có việc làm ở Hoa Kỳ vẫn báo cáo sự thỏa mãn trong cuộc sống cao hơn nếu họ thường xuyên chi tiền cho các dịch vụ làm việc nhà như nấu ăn, mua sắm và sửa chữa nói chung.
Ryan Howell, cũng là một nhà tâm lý học nhưng không tham gia vào nghiên cứu trên, nói sự nhất quán về mặt nhân khẩu học này là “mạnh mẽ” và “ấn tượng.” Nghiên cứu của Howell ở Đại học bang San Francisco cũng tập trung vào việc chi tiêu và hạnh phúc, và anh ấy cũng thấy rằng số tiền mà người ta kiếm được không quan trọng cho bằng cách người ta tiêu nó.
Để trực tiếp kiểm tra liệu rằng trả tiền để tiết kiệm thời gian có thể làm tăng hạnh phúc không, các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu mới nhất bằng cách tuyển 60 người trưởng thành có việc làm ở Vancouver và đưa cho họ 40 đô-la vào ngày cuối tuần của hai tuần liên tiếp. Họ nói với mọi người tiêu tiền vào việc mua đồ ở tuần này và vào dịch vụ nào đấy tiết kiệm thời gian trong tuần khác (với thứ tự thay đổi, chứ không nhất thiết là tiêu tiền trong tuần đầu và tiết kiệm thời gian trong tuần thứ hai).
So sánh với những ngày khi họ mua đồ, hầu hết những người tham gia báo cáo lại rằng việc mua thời gian rảnh rỗi đi kèm với việc gia tăng tác động tích cực, giảm tác động tiêu cực và giảm thời gian stress. Và nó không thành vấn đề là đồ dùng được mua hữu dụng, đặc biệt hay sang trọng thế nào.
Mặc dù vậy, khi các nhà nghiên cứu hỏi một nhóm khác gồm 98 người lao động trưởng thành ở Vancouver về cách họ sẽ tiêu 40 đô-la, chỉ có 2 phần trăm đề cập đến việc mua cho bản thân họ nhiều thời gian rảnh hơn. Và trong một khảo sát trước đó ở Hà Lan, thậm chí là ngay cả với các triệu phú cũng có chưa tới 50% số người nói rằng họ thường xuyên chi tiền cho các dịch vụ thuê ngoài để làm các việc không ưa thích.
Sanford DeVoe, người không tham gia nghiên cứu trên, đã gọi kết quả này là “phát hiện thực sự đáng kinh ngạc.” DeVoe là giáo sư tại Đại học California ở Los Angeles, nghiên cứu hiệu ứng tâm lý của việc gán giá trị tiền tệ lên thời gian. Anh bị choáng bởi sự kiện là ngay cả với những người rõ ràng có khả năng tài chính thì họ vẫn không thuê ngoài những công việc làm bản thân căng thẳng. DeVoe nói, điều này làm tăng thêm nhiều bằng chứng cho thấy “con người không biết cách tiêu tiền của họ để có được tỷ suất hạnh phúc lớn nhất”.
Hầu hết người trưởng thành cho biết họ có cảm giác thiếu thời gian, và nhiều dẫn chứng cho thấy đây dường như là lý do cho lo âu, mất ngủ và thậm chí là cả béo phì. Vậy tại sao chúng ta lại rất miễn cưỡng xem xét việc đầu tư cho vốn thời gian?
“Con người nổi tiếng trong việc thực hiện các quyết định tệ hại để làm bản thân họ hạnh phúc hơn,” Whillans nói. Cô nghi ngờ bản chất trừu tượng của thời gian có thể là nguyên nhân. “Chúng ta luôn nghĩ rằng chúng ta sẽ có nhiều thời gian vào ngày mai hơn so với lượng thời gian chúng ta có bây giờ,” vì thế chúng ta do dự chi tiền – là thứ cụ thể và đo lường được, trong khi với thời gian – là cái có nhiều sự không chắc chắn hơn.
DeVoe đồng ý. Khi bạn chi tiền cho ai đó lau dọn nhà cửa hoặc cắt bãi cỏ ở sân vườn, “bạn biết chính xác số tiền mà bạn bị mất,” anh nói thêm, “hạnh phúc mà bạn nhận được lại khó được xác định.”
Một lý do tiềm năng khác, theo Whillans đó là: “Sự bận rộn được nhận thức như là trạng thái biểu tượng.” Không hiếm người bỏ qua kỳ nghỉ hưởng lương để tiếp tục làm việc, thậm chí khi kiệt sức (burnout) là vấn đề lớn (ý là sự bận rộn được coi trọng, nhất là bận rộn vì công việc). Nếu các công ty cung cấp cho nhân viên các ưu đãi để tiết kiệm thời gian, chẳng hạn như hỗ trợ tiền thuê nhà (để họ có thể thuê gần chỗ làm hơn) [1], hoặc phiếu giảm giá cho các dịch vụ gia đình, cô dự đoán rằng nền kinh tế có thể được cải thiện bởi vì khi đó tình trạng kiệt sức sẽ bị giảm xuống.
Mặt khác, mua thời gian có thể không thực sự làm giảm bận rộn. Thời gian rảnh rỗi đó có thể dễ dàng bị lấp đầy bằng việc kéo dài thời gian làm việc hoặc kiểm tra email. Máy giặt và lò vi sóng cả hai được phát minh để tiết kiệm thời gian, thế nhưng mọi người vẫn bận rộn như thường. Các nhà nghiên cứu lưu ý là những người chi rất nhiều tiền cho các dịch vụ thuê ngoài có thể thấy bản thân họ căng thẳng thêm nếu họ bắt đầu cảm thấy không có khả năng quản lý cuộc sống riêng.
Nếu bạn nhìn vào rất nhiều nghiên cứu khoa học về cách dùng tiền mua hạnh phúc, bạn sẽ tìm thấy các bằng chứng hỗ trợ theo vài cách khác nhau. Mua đồ dùng, đặc biệt là những thứ phù hợp với cá tính của chúng ta, có thể làm hài lòng nhu cầu của chúng ta cho việc thiết lập hoặc thể hiện cái cá nhân riêng của mỗi người. Chi tiền cho người khác – “ủng hộ xã hội” – thông qua đóng góp từ thiện hoặc để nâng cao mối quan hệ với những người mà chúng ta quan tâm – làm trọn vẹn các mong muốn của chúng ta trong việc kết nối với mọi người. Và đầu tư vào trải nghiệm vẫn tiếp tục cho thấy làm gia tăng hạnh phúc.
Howell nói, “đặc biệt có lợi là các trải nghiệm giúp chúng ta phát triển kỹ năng mới hoặc áp dụng tài năng của chúng ta theo cách mới lạ và làm chúng ta cảm thấy tự tin hơn”.
Không có câu trả lời huyền diệu cho việc làm thế nào để tối đa hóa hạnh phúc thông qua việc tiêu tiền, nhưng với nhiều người, chi tiền để tiết kiệm thời gian và nâng cao trạng thái thân tâm an lạc không có trong dự tính của họ. DeVoe hy vọng nghiên cứu này sẽ cho mọi người hiểu biết cụ thể hơn giá trị trừu tượng của việc đầu tư vào thời gian rảnh rỗi.
Và cho bản thân chúng ta nhiều thời gian hơn một chút có thể làm chúng ra hạnh phúc hơn nhiều trên tổng thể.
(Dịch từ bài viết One surprising way money can buy happiness, according to scientists – Tác giả: Jenna Gallegos – Website: The Washington Post – Người dịch: Nguyễn Đức Anh)
Chú thích:
[1]: Trong nguyên văn là “toll passes” tức là tiền qua cầu đường phải trả (kiểu trạm BOT ở Việt Nam), ở Hoa Kỳ họ hay đi ô tô nên số tiền này không nhỏ. Để dễ hiểu hơn tôi phóng chiếu vào bối cảnh của Hà Nội, thường chúng ta thuê nhà xa chỗ làm (nhất là khi chỗ làm ở trung tâm đắt đỏ) để giảm chi phí thuê nhà và sinh hoạt nói chung.
P/S: Tôi mới thấy một video hay trên TED về việc dùng tiền mua hạnh phúc thông qua việc dùng số tiền ấy cho người khác, dù nhiều hay là ít, và cách thức ra sao, có phụ đề tiếng Việt nhé, của tác giả Michael Norton.