Sinh con có làm bạn hạnh phúc không?

có con có giúp bạn hạnh phúc

Jessica Copeland, ba-mươi-mốt-tuổi nói rằng cô đã biết ngay từ thời còn học ở trường trung học rằng cô không bao giờ muốn làm mẹ.

“Cái đó là lựa chọn của tôi, và là lựa chọn tốt nhất cho cuộc sống của tôi,” Copeland nói, cô là cựu kỹ thuật viên thú y tại Chandler, Texas, hiện đang sống ở Dongducheon, Hàn Quốc (South Korea) với chồng.

“Tôi biết tôi là ai và tôi muốn điều gì trong cuộc sống, và tôi biết không chút nghi ngờ rằng con cái không phù hợp trong công thức của mình,” cô nói. “Tôi biết hạnh phúc không phải là có 2,5 đứa con, hay mua được căn nhà ở ngoại ô với hàng rào màu trắng.”

Gần một phần năm phụ nữ Hoa Kỳ giờ đây kết thúc việc sinh đẻ (childbearing) mà không có con, so với một phần mười vào những năm 1970, theo dữ liệu điều tra dân số Hoa Kỳ (U.S Census) mới công bố gần đây.

Những phụ nữ có trình độ giáo dục cao nhất, có bằng cử nhân hoặc cao hơn, là những người có khả năng nhất không bao giờ có con theo Trung tâm Nghiên cứu Pew.

Những phụ nữ như Copeland thách thức ý tưởng rằng cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ là phải có con trẻ. Trong thực tế, một nghiên cứu khác cho thấy có con cái có thể tác động tiêu cực lên hạnh phúc.

“Giống như một nhóm, bố mẹ thuộc mọi kiểu dạng và ở tất cả cấp độ kinh tế xã hội tại Hoa Kỳ báo cáo nhiều triệu chứng trầm cảm và căng thẳng cảm xúc so với những người trưởng thành tương tự nhưng không có con,” Robin Simon, giáo sư xã hội học thuộc trường Đại học Wake Forest cho biết, cô nghiên cứu mối quan hệ giữa việc làm cha mẹ và cảm xúc an lạc của thân tâm (emotional well-being).

Thông tin của cô dựa trên nghiên cứu mẫu đại diện quốc gia của 11473 người Mỹ. Họ được chọn từ tất cả các chủng tộc, nền tảng kinh tế xã hội và trình độ giáo dục.

Cuốn sách “Va vào Hạnh phúc (Stumbling on Happiness)”của giáo sư tâm lý Đại học Harvard là Daniel Gilbert xem xét một số nghiên cứu và phát hiện ra rằng, trẻ em cho người lớn nhiều điều, nhưng “sự gia tăng hạnh phúc hàng ngày có lẽ không phải là một trong số đó.”

Ông nói, các nhà tâm lý học phát hiện ra rằng, mức độ hạnh phúc của cha mẹ khi tương tác với con cái của họ không cao bằng mức độ hạnh phúc có được từ việc thực hiện các hoạt động như ăn uống, xem tivi hoặc thậm chí là tập thể dục.

“Điều này dường như phản trực giác, bởi vì văn hóa của chúng ta tin rằng con cái là chìa khóa cho cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh,” Simon nói.

“Từ bên ngoài bạn thấy các hiệu ứng bất lợi có nguyên nhân từ niềm tin trong văn hóa của chúng ta, song vẫn có một nhóm người nói với bạn rằng trẻ em là điều tốt nhất sẽ xảy ra trong cuộc đời bạn,” Copeland nói.

Copeland, lập gia đình được một năm rưỡi, có chồng là quân nhân , cô nói rằng mình chưa bao giờ cảm thấy bất kỳ áp lực nào về việc phải có con, và gia đình ủng hộ lựa chọn của cô.

Tuy nhiên, bên ngoài mối quan hệ thân mật, sự tiếp nhận của mọi người có khác biệt. “Phản ứng thông thường mà tôi nhận được là thương hại và bàng hoàng,” cô lưu ý.

Nhưng Copeland, vốn là con một, không hề có cảm thấy buồn phiền và thấy rằng thật là châm biếm khi những người có con mà cô biết thường phàn nàn về cuộc sống của họ.

“Tôi luôn thấy thú vị về cách cha mẹ than phiền con cái của họ”, cô nói. “Tôi chưa bao giờ gặp bố mẹ nào mà không có các câu chuyện gần như hàng ngày về chuyện con cái làm họ căng thẳng ra sao.”

Simon nói, còn có các thách thức khác với vai trò làm cha mẹ. Giáo sư xã hội học cho hay sự hài lòng trong hôn nhân giảm sau khi đứa trẻ đầu tiên ra đời và tiếp tục giảm theo thời gian.

Theo nghiên cứu, phụ nữ ở Hoa Kỳ cũng chịu khó khăn về thu nhập và giữ việc làm (employment retention and earnings) khi họ có con, được Jennifer Glass – giáo sư ở Đại học Iowa trích dẫn.

“Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ trong đất nước chúng ta (Hoa Kỳ) thường thiệt hại (lost out) về tài chính và mất cơ hội thăng tiến nghề nghiệp khi họ làm mẹ – bởi vì Hoa Kỳ không có các kiểu chính sách công việc hỗ trợ dành riêng cho gia đình và chăm sóc trẻ em, giống như các quốc gia phát triển khác,” Glass nói.

Nuôi nấng trẻ con cũng thực sự tốn kém. Theo các con số của chính phủ Hoa Kỳ, số tiền trung bình để nuôi một đứa trẻ từ khi chào đời đến năm 17 tuổi vào khoảng 222 360 đô-la với trẻ em sinh trong năm 2009 (và giá trị tiền tệ của năm 2009). Điều này bao gồm thức ăn, nhà cửa, phương tiện đi lại, quần áo, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, chăm sóc con cái và nhiều thứ đắt đỏ khác.

Vậy các bậc cha mẹ hiện nay nghĩ gì về nghiên cứu này? Nó phụ thuộc vào người nào mà bạn hỏi, Simon nói.

“Hồi trước, chúng tôi nhận được các bức thư thù địch từ một số cha mẹ sau khi họ đọc nghiên cứu, nhưng thường thì nhiều bậc cha mẹ cảm thấy thoải mái,” cô nói. “Làm cha mẹ rất khó khăn, một công việc đầy căng thẳng, và nhiều người đọc dữ liệu khám phá ra rằng họ không phải là người duy nhất cảm thấy quá tải bởi công việc khó khăn này.”

Mặc cho các phát hiện vừa đề cập, Simon – người là mẹ của hai bé đang tuổi lớn, không hề nói rằng người Mỹ nên ngừng có con hoặc nên có các chương trình nghị sự về việc ngừng sinh sản.

“Điều rút ra được từ nghiên cứu là nếu bạn đang là bố mẹ hoặc muốn trở thành bố mẹ, hãy hiểu những điều sẽ xảy ra và chuẩn bị cho vô vàn công việc khó khăn, mồ hôi và nước mắt – ngay cả khi bạn có điều kiện tốt nhất,” cô nói.

Cả Simon và Glass đều nói rằng các bậc cha mẹ ở Hoa Kỳ thường thiếu sự hỗ trợ thích hợp cho việc chăm sóc em bé và trợ giúp nuôi nấng con trẻ. Họ nói rằng họ muốn thấy chính phủ thực hiện các chính sách trợ cấp “thân thiện với trẻ em” hơn để giúp các gia đình phát triển.

Simon và Glass làm việc trong một dự án so sánh “cảm xúc thân tâm an lạc” của các bậc cha mẹ ở Hoa Kỳ với các bậc cha mẹ từ 21 quốc gia phát triển khác. Họ dự đoán rằng những người làm cha làm mẹ từ các quốc gia có hệ thống hỗ trợ tốt hơn Hoa Kỳ sẽ có kết quả tốt hơn, nhưng không muốn tạo ra giả định đó cho đến khi nghiên cứu hoàn thành.

Có nhiều nghiên cứu về chủ đề này, và một nghiên cứu gần đây cung cấp một số khích lệ cho bố mẹ. Nghiên cứu công bố trên ấn bản tháng ba của tạp chí Nghiên cứu Dân số và Phát triển phát hiện ra là các bậc cha mẹ trên 40 tuổi mà càng có nhiều con thì họ càng hạnh phúc hơn. Họ sử dụng dữ liệu từ 86 quốc gia cho nghiên cứu vừa kể.

Các tác giả của nghiên cứu này nói rằng khi trẻ em trưởng thành, chúng không còn cần nhiều chăm sóc và việc gây căng thẳng cho bố mẹ cũng giảm – ngoài ra con cái lúc này còn có thể trở thành nguồn lực giúp đỡ bố mẹ nữa.

Trong khi đó, Copeland nói cuộc hôn nhân của cô với người bạn thân nhất của mình và “người đàn ông trong giấc mơ của tôi” là gia đình duy nhất cô cần để tạo dựng cuộc đời mình. Cô tin tưởng bản thân và lựa chọn của mình. Cô khuyến khích người khác tự lựa chọn quyết định của họ, và họ cũng cần tôn trọng quyết định của cô.

(Dịch từ bài viết Does having children make you happy? – Tác giả: Katherine Dorsett – Website: CNN)

Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *