Có phải thời tiết ấm áp hơn làm chúng ta hạnh phúc hơn?

mặt trời chiếu vào cánh hoa

Giờ là tháng tư, mùa bóng chày đã trở lại và mùa xuân bắt đầu tràn ngập. Mọi người đang hứng khởi rằng thời tiết tốt hơn sẽ giúp họ thoát khỏi sự ảm đạm của mùa đông và “nâng cao tâm trạng”.

Nhưng trong khi nhiều người bày tỏ các cảm xúc đó, nó làm dấy lên câu hỏi liệu rằng các dữ liệu có hỗ trợ cho tiền giả định như vậy không. Có phải tâm trạng của chúng ta và sự tự đánh giá thực sự được cải thiện khi mùa xuân và mùa hè đến?

Câu hỏi này là phức tạp và không phải là kiểu câu hỏi có thể trả lời có-hoặc-không đơn giản. Lấy ví dụ, có một sự thật rõ ràng là thời tiết ảnh hưởng mạnh đến những người chịu tác động của rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD – Seasonal Affective Disorder). Họ thường trải nghiệm cảm giác chán nản trong mùa đông và cải thiện dần khi mùa xuân đến, nguyên nhân chủ yếu là nhờ sự gia tăng thời gian ban ngày (ánh sáng mặt trời) [Oren và các cộng sự, 1994]. Vì thế, với những ai phải chịu khốn khổ bởi SAD, thì đúng là thời tiết tốt hơn đem lại sự tốt lành thực sự.

Nhưng với những người khác, tài liệu khoa học chỉ phát hiện mối liên kết nhỏ giữa thời-tiết-và-tâm-trạng – và đôi khi là khá bất ngờ (ví dụ, Keller và các cộng sự, 2005). Lấy thí dụ, Deniseen và các cộng sự (2008) đã nghiên cứu hơn 1600 người, kiểm tra các báo cáo hàng ngày về trạng thái thân tâm an lạc (well-being) của họ theo tình trạng cụ thể thời tiết địa phương (ví dụ như nhiệt độ, ánh sáng mặt trời, gió). Các phát hiện là lý thú ở khía cạnh, rằng, các chỉ số về thời tiết không dự đoán được đáng kể các hiệu ứng tích cực (ví dụ, cảm thấy nhiệt tình, cảm hứng, cương quyết). Tuy nhiên lại có bằng chứng cho các hiệu ứng tiêu cực (ví dụ, cảm thấy buồn rầu, đau khổ, khó chịu) tăng lên cùng với thời tiết ấm – chứ không phải khi lạnh đi – và giảm khi có nhiều ánh nắng mặt trời và ít gió. Nói tóm lại, các hiệu ứng là nhỏ, và các phát hiện được quan sát thấy chỉ ra rằng mặc dù thời tiết không có mối liên hệ với các ảnh hưởng tích cực lên con người, nhiệt độ ấm hơn thực sự làm tăng các cảm giác tiêu cực, thậm chí ngay cả khi có nhiều ánh nắng hơn, như những gì mà mọi người có thể mong đợi, có một hiệu ứng dễ chịu hơn-nhưng một lần nữa, các hiệu ứng là nhỏ.

Dầu vậy, dường như là thời tiết tốt hơn cho chúng ta điều gì đó – nó có các lợi ích không trực tiếp. Lấy ví dụ, thời tiết đẹp thường cho phép mọi người đi ra ngoài để tập thể dục và kết nối nhiều hơn với thiên nhiên. Các cư dân đô thị bỏ ra 90 phút đi bộ quanh công viên đem lại kết quả tích cực, họ giảm các suy nghĩ miên man (ruminative) và cho thấy các hoạt động não bộ lành mạnh hơn (Bratman và các cộng sự, 2015). Tương tự, nghiên cứu cho thấy rằng người đi bộ tăng 50% khả năng sáng tạo sau chỉ vài ngày đi bộ đường dài đồng thời không tiếp xúc với các thiết bị công nghệ (Atchley và các cộng sự, 2012). Vì thế, thậm chí nếu bản thân thời tiết không tạo ra các lợi ích trực tiếp đáng kể cho cá nhân, thì việc đi ra ngoài do thời tiết đẹp có thể nâng cao sức khỏe và năng lực tâm thần thông qua việc kết nối nhiều hơn với thiên nhiên cũng như gia tăng tập luyện.

Còn tình yêu mùa hè thì sao?

Có phải thời tiết tốt hơn dẫn đến khởi nguồn của mối quan hệ lãng mạn mới? Có niềm tin rằng mùa xuân và mùa hè là mùa dành cho yêu đương, trong khi mùa thu các bản tình ca chia tay buồn bã lại có được các thính giả của mình. Thú vị là, Facebook có thể cung cấp một vài cái nhìn sâu sắc vào vấn đề này bằng cách theo dõi sự thay đổi về thông báo trạng thái mối quan hệ qua các mùa (mặc dù đây không phải là thước đo hoàn hảo trong việc đo đạc tình trạng khởi đầu và kết thúc mối quan hệ lãng mạn). Một số xu hướng thú vị nổi lên trong nghiên cứu về người dùng ở Hoa Kỳ được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu Facebook trong năm 2012: Có nhiều mối quan hệ kết thúc trong mùa hè hơn – Tháng sáu là tháng tệ hại nhất cho mối quan hệ yêu đương của những người dùng Facebook, bất kể lứa tuổi ra sao – trong khi những ngày có nhiều “mối quan hệ mới” nhất xuất hiện trong tháng hai, ngay sau ngày Valentine (ngày lễ tình yêu, 14-2 hàng năm). Nói ngắn gọn, nếu Facebook là phong vũ biểu (barometer) của các mối quan hệ, thời tiết mùa hè dẫn đến sự kết thúc các mối quan hệ, chứ không phải sự hưng thịnh của chúng. Có thể việc chia tay trong một số mối quan hệ dẫn đến niềm vui, nhưng chỉ có những người chỉ trích thực sự mới kết luận rằng tình yêu tan vỡ, tính trên trung bình, sẽ khiến con người ta hạnh phúc hơn.

Mùa hè là thời gian chính của tội phạm

Một lưu ý cuối cùng về thời gian mùa hè: Bổ sung vào việc nó có tiềm năng là thời gian tệ hại cho việc duy trì mối quan hệ lãng mạn, cụ thể thì mùa hè cũng là giai đoạn có xu hướng xuất hiện các hành vi chống đối xã hội nhiều hơn. Trong một nghiên cứu cơ bản được thực hiện bởi Anderson và Anderson (1984) đã thực hiện kiểm tra dữ liệu tội phạm ở Houston, các con số về tội phạm bạo lực / aggressive crimes (ví dụ giết người, hãm hiếp) tăng lên theo nhiệt độ thời tiết. Dữ liệu tương tự cũng nổi lên khi kiểm tra hơn 5 triệu báo cáo tội phạm được công khai ở Chicago từ năm 2001 (van Zanten, 2016). Các dữ liệu này cho thấy rằng tội phạm bạo lực như tấn công, cướp của, bạo lực tình dục, và ẩu đả có một xu hướng tuyến tính mạnh trong việc xuất hiện nhiều tội ác kiểu này khi nhiệt độ gia tăng từ mùa lạnh (âm 6 độ C) đến mùa ấm (32 độ C).

Rõ ràng, các phát hiện về mối liên kết giữa tội ác và thời tiết như vậy có các giải thích khác thay thế (ví dụ, thời tiết ấm có thể đơn giản làm gia tăng các cuộc gặp gỡ với người khác điều cần thiết cho những hoạt động tội ác với con người hơn là vì nhiệt độ ấm áp là nguyên nhân trực tiếp cho hành vi phản xã hội). Dầu vậy, nghiên cứu có kiểm soát trong phòng thí nghiệm được lặp lại nhiều lần cho thấy ở nhiệt độ cao có sự gia tăng các ý nghĩ thù địch và các cảm xúc kích hoạt các hành động hung hăng (Anderson và cộng sự, 1995).

Tóm tắt

Cuối cùng, thật thú vị là mặc dầu mọi người có niềm tin bản năng rằng thời tiết tốt hơn đem đến các kết quả tích cực về tâm trạng, các bằng chứng cho tiền giả định này là yếu ớt. Nhìn chung, hiệu ứng của “thời tiết tốt” lên cảm xúc của con người là khiêm tốn, không tương xứng, và đôi khi ngược lại kỳ vọng phổ biến. Hơn thế nữa, thời tiết ấm áp dường như liên kết với việc tan vỡ tình cảm và các hành vi chống đối xã hội tăng thêm. Tuy nhiên có thể có các lợi ích, không chỉ trực tiếp cho những người phải chịu khổ từ SAD, nó còn thông qua các hiệu ứng gián tiếp khi mọi người đi ra ngoài thiên nhiên và tập luyện nhiều hơn. Cũng giống như nhiều tiền giả định trong cuộc sống, giả định về quan hệ nhân quả có thể sai. Thường thì, chìa khóa cho các trải nghiệm tích cực phụ thuộc vào điều mọi người làm với các cơ hội của họ hơn là liệu rằng họ đơn giản có chúng ngay từ đầu.

(Dịch từ bài viết Does Warmer Weather Really Make You Happier – Tác giả: Allen R McConnell Ph.D – Website: Psychology Today)

Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *